Tình huống mặt trận Chiến_dịch_Vilnius

Sau khi Tập đoàn quân xe tăng 3 và Tập đoàn quân 4 thuộc Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) bị đánh tan trong các chiến dịch VitebskMinsk Quân đội Đức Quốc xã vội và điều động các lực lượng từ trong nước Đức, từ Trung và Nam Âu đồng thời rút một số sư đoàn từ các cụm tập đoàn quân Bắc Ukraina và Nam Ukraina về hướng Trung tâm để ổn định tuyến mặt trận phòng thủ mới từ Daugapinsk qua Vilnius đến Lida, nối với tuyến phòng thủ mới của cánh Bắc Tập đoàn quân 4 và Tập đoàn quân 9 (tái lập) từ Lida đến Pinsk và kéo sang phía Tây đến Kovel.

Phương diện quân Byelorussia 3 (Liên Xô) sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Minsk đã triển khai tấn công ngay sang phía Tây để lợi dụng tình huống có lợi khi quân Đức đang sa sút và chưa thể thiết lập một trận tuyến phòng thủ mới. Bên cánh phải, Phương diện quân Pribaltic 1 sau khi hoàn thành Chiến dịch Polotsk dược tiếp nhận thêm 3 tập đoàn quân, trong đó có Tập đoàn quân 39 từ Phương diện Byelorussia 3 chuyển sang đang chuẩn bị phối hợp với Phương diện quân Pribaltic 2 mở Chiến dịch Rezekne-Dvina để đẩy Tập đoàn quân 18 (Đức) lùi sâu ra phía biển Baltic. Ở phía Nam, Phương diện quân Byelorussia 1 có nhiệm vụ tiếp tục tấn công trên hai hướng Baranovichi và Kovel để khép vòng vây xung quanh Tập đoàn quân 9 (Đức) vừa được tái lập, dồn quân Đức vào vùng đầm lầy Polesya.

Địa hình trong khu vực tác chiến có nhiều rừng và đầm lầy xen lẫn các khu đất cao bên hữu ngạn sông Niemen nhưng không có các con sông lớn cắt ngang đường tiến công của quân đội Liên Xô. Dải tấn công thuận lợi nhất là khu vực dọc hai bên con đường ô tô và đường sắt từ Molodechno đi Vilnius cũng như từ Molodechno đi Lida. Cả ba thành phố náy đều là các đầu mối giao thông đường sắt và đường bộ rất quan trọng ở khu vực Tây Bắc Byelorussia và Tây Nam Litva. Đây là địa bàn tác chiến tương đối quen thuộc với cả hai quân đội Liên Xô và Đức Quốc xã. Trong mùa hè năm 1941, các Tập đoàn quân xe tăng 2 và 3 cùng các tập đoàn quân bộ binh 2, 4 và 9 của quân đội Đức Quốc xã đã bao vây và đánh tan chủ lực của Quân khu đặc biệt miền Tây của quân đội Liên Xô. Trong hình ảnh đảo ngược của mùa hè năm 1944, bốn phương diện quân Liên Xô đã bao vây và đánh tan Cụm tập đoàn quân Trung tâm của quân đội Đức Quốc xã và tiến nhanh như vũ bão về phía biên giới Ba Lan.

Đây cũng là vùng hoạt động của lực lượng Armia Krajowa (AK) dưới sự chỉ đạo của tướng Tadeusz Bor-Komorowski, người đứng đầu các tổ chức hoạt động bí mật Ba Lan thân Anh. Quân đội Krayova gồm những người yêu nước Ba Lan trong các tổ chức bí mật của nhiều đảng phái khác nhau (Đảng Dân tộc, Đảng Dân chủ, Đảng dân chủ tự do, Đảng Công nhân...) Tướng Tadeusz Bor-Komorowski, chỉ huy quân đội này là người có tư tưởng dân tộc cực đoan. Ông ta đồng chủ trương với tướng Władysław Sikorski, người đứng đầu Chính phủ Ba Lan lưu vong tại London về việc đòi lại Litva, vùng Tây Byelorussia, vùng Tây Bắc Ukraina. Một mặt, quân đội Krayova kiên trì chống lại phát xít Đức. Mặt khác, quân đội này cũng hợp tác với người Đức để chống lại người Nga và các đội du kích Liên Xô hoạt động trên lãnh thổ Litva, chỉ điểm cho quân Đức bắt cóc và thủ tiêu những người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô tại địa phương (hoạt động bí mật) và các chỉ huy du kích Liên Xô.[2][7] Mùa hè năm 1944, quân đội Krayova phát triển lên đến 380.000 người, trong đó có hơn 10.000 sĩ quan, hoạt động trên một phạm vi rất rộng từ Latvia, Litva, Tây Byelorussia, Tây Bắc Ukraina và trong nội địa Ba Lan. Theo báo cáo của Ya. Erdmana, bí thư huyện ủy bí mật của quận Novogrudok, từ tháng 1 năm 1942 đến tháng 7 năm 1944, quân đội Krayova ở địa phương đã tiến hành 102 hoạt động chống lại quân đội Đức Quốc xã, chiếm 55% và 81 hoạt động chống lại du kích Liên Xô, chiếm 45% các cuộc tấn công. Từ mùa xuân năm 1943 đến tháng 7 năm 1944, thủ lĩnh quân đội Krayova ở Stolbtsy là Anton Pilkh (bí danh là Gora)đã hợp tác với quân Đức bắt và giết hơn 500 du kích và dân thường Liên Xô.[8]

Ngoài ra, trên lãnh thổ Litva còn tồn tại lực lượng dân phòng Litva (Lithuanian Territorial Defense Force - LTDF), một tổ chức bán quân sự người Litva do chính quyền Đức Quốc xã dựng lên dưới quyền chỉ huy của lực lượng SS để góp phần bảo đảm an ninh cho vùng sau mặt trận của quân đội Đức Quốc xã. Theo một thỏa thuận được chính quyền Đức Quốc xã tại Litva ký kết ngày 13 tháng 2 năm 1944 với người đứng đầu tổ chức LTDF, lực lượng này được biên chế thành các tiểu đoàn dân cảnh từ số 301 đến 310 và 312 đến 314 được trang bị vũ khí nhẹ của Đức với cam kết sẽ chống lại quân đội Liên Xô để đổi lấy việc chính quyền Đức Quốc xã sẽ công nhận Litva tự do. Tuy nhiên, bản thỏa thuận này đã bị lực lượng SS phản đối và không bao giờ được thực hiện. Povilas Plechavičius, người đứng đầu LTDF đã lập ra "Tėvynės Apaugos Rinktinė" (tổ chức yêu nước cấp tiến) hoạt động bí mật với mục tiêu chống lại cả quân đội Liên Xô lẫn quân đội Krajowa. Sự việc này đã dẫn đến nhiều cuộc chạm súng giữa lực lượng LTDF và quân đội Krajowa từ tháng 5 đến giữa tháng 6 năm 1944. Người Đức để mặc cho hai đội quân này tiêu diệt lẫn nhau và đến khi quân đội Liên Xô phát động Chiến dịch Bagration, các đơn vị SS ở Litva đã trang bị cho lực lượng LTDF vũ khí hạng nhẹ để chống lại quân đội Liên Xô.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Vilnius http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1944W/... http://www.ruf.rice.edu/~sarmatia/406/262choda.htm... http://books.google.lt/books?id=A4FlatJCro4C&pg=PA... http://old.kurier.lt/?r=16&a=2790 http://www.xxiamzius.lt/numeriai/2004/08/18/zvil_0... http://www.globalsecurity.org/intell/library/news/... http://ru.wikipedia.org/wiki/%D0%90%D1%80%D0%BC%D0... http://ru.wikipedia.org/wiki/%D0%A0%D0%B5%D0%B7%D0... http://ru.wikipedia.org/wiki/%D0%A0%D0%B5%D0%B7%D0... http://dic.academic.ru/pictures/sie/vil__nyuss_ope...